Mảnh thủy tinh (Phần 4)

Phần 4:

Tôi hát theo những dòng nốt nhạc trầm bỗng và cảm thấy mình thật hạnh phúc vô cùng. Dù anh xa vắng nhưng những gì anh dành cho tôi đều tạo cho tôi có một cảm giác là anh luôn bên tôi và luôn yêu tôi.

Tối nay mẹ tôi vào phòng trò chuyện, nhìn thấy bình hoa trên bàn, mẹ hỏi:

- Chà, con mua hoa ở đâu mà nhiều vậy?

Tôi biết rằng sẽ không dấu được những gì mà trước sau cũng phải xảy ra, hơn nữa “mọi việc sẽ bắt đầu tốt đẹp bằng sự thành thật với nhau”. Ba tôi đã dạy như thế, nhưng tiếc là tôi không thể nói thật với ba về anh được, vì làm như thế là bằng như tôi cố ý phá vỡ tất cả những gì tôi với anh xây dựng nên. Tôi thầm mong rằng mẹ sẽ hiểu cho tôi và không cứng rắn như ba. Nghĩ vậy nên tôi nói:

- Không, hoa này là...của người kia tặng con đó mẹ!

Mẹ nở một nụ cười bí mật:

- Ai vậy? Kể cho mẹ nghe được không?

Tôi bậm môi làm liều:

- Con nghĩ đã đến lúc con phải nói sự thật về cuộc đời mình cho ba mẹ rõ. Nhưng con không đủ can đảm để đứng trước mặt ba để tỏ thật lòng mình. Tôi ngập ngừng rồi tiếp:

- Con đã yêu một người....một người con trai...chứ không phải... - Mẹ tôi tiếp lời:

- Con không phải lo lắng mẹ đã rõ từ lúc con và cậu ấy thân mật bên nhau vào hai năm trước. Nhưng mẹ chỉ không muốn dùng quyền cha mẹ để ép uổng hay can thiệp vào cuộc sống cá nhân của con mình. Mẹ nhạy cảm lắm con à! Mẹ sinh con ra nên tính tình con mẹ rất rõ. Dù cho thế nào con vẫn là con của mẹ.

Mẹ nói với giọng nghèn nghẹn và vỗ về ôm tôi vào lòng, tôi thật sững sốt bàng hòang khi mọi việc lại được mẹ cảm thông và chấp nhận thực tế. Rồi mẹ lại nói tiếp:

- Mẹ vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống gia phong lễ giáo nên chính vì vậy mẹ đã không được kết hôn với một người Pháp. Ông ngọai con đã mọi mặt ngăn cản và chia rẽ mẹ và người ấy bằng cách ép buộc mẹ về làm vợ ba con, dù biết rằng mẹ và người ấy tha thiết yêu nhau. Nên mẹ hiểu lý do vì sao ba con lại có cái thành kiến khi con giao du với những người ngọai quốc. Nên việc con yêu một người con trai lại càng là một vấn đề nan giải khó có thể để ba con chấp nhận. Sĩ diện và danh giá gia đình ba con lại càng không thể chấp nhận được cái thực tế phũ phàng này lại xảy cho gia đình. Nhưng mẹ thiết nghĩ cha mẹ sinh con trời sinh tính, không một ai có thể biến đổi con để trở thành một người khác được cả. Nên dù gì, mẹ chỉ mong là ba con sẽ hiểu, cảm thông và gạt bỏ cái định kiến riêng mình mà không ép buộc con theo nề nếp định luật của cái xã hội phong kiến: “Trai lớn lên lấy vợ, gái lớn lên lấy chồng”.

Nói đến đây tôi càng thấy thương mẹ vô bờ. Quả thật không có gì cao cả bằng tình mẹ thương con. Và cũng không có bao dung và rộng lượng bằng tấm lòng người mẹ. Tôi nhìn mẹ mà hai mắt ngấn đôi dòng lệ nhòa. Tôi ôm mẹ vào lòng nhắn nhủ:

- Nhưng mà mẹ hứa với con là sẽ không nói lại với ba nghe vào lúc này, vì ba không thích người con trai này lắm.

Mẹ im lặng nhìn tôi nhưng rồi lại gật đầu ưng thuận. Rồi lại cười gượng buôn trôi một câu hỏi để phá tan cái không khí ảm đạm:

- Nhưng con cũng phải cho mẹ biết về nguồn gốc cậu ấy chứ?

Thấy mẹ khuyến khích, nên tôi mạnh dạn kể cho mẹ nghe:

- Anh này không phải là người Việt, mẹ ảnh người Malta, ba ảnh người miền bắc Ấn Độ. Ba thì không muốn cho con quen với ai ngòai người Việt Nam hết...nhưng con thì quan niệm khác...

Mẹ tôi ngắc lời:

- Nhưng con có nghĩ tới những bất hợp sau này không? Văn hóa, truyền thống, giá trị gia đình, lối suy nghĩ, và nhiều cái khác nữa....

Lấy một hoa Hồng từ chiếc bình thủy tinh ra vân vê tôi buồn buồn nghĩ đến mười sáu ngày biết rằng anh ở xa nên lòng càng lo lắng. Mẹ bảo:

- Nếu con với người con trai đó có gặp nhau cũng được nhưng đừng lơ là trong việc học. Để mẹ coi mẹ có thể giúp con được gì cuối năm nay, với điều kiện kết quả phải tốt đó nhé. Phải đậu cử nhân để ba mẹ nở mặt nở mày với bà con nữa đó. À! Người con trai đó tên gì, con?

- Tên Andre, mẹ!

Cuộc nói chuyện với mẹ đã làm tôi suy nghĩ nhiều về tôi và anh: Liệu anh có thông cảm với nỗi buồn vô cớ mỗi khi tôi nghe những giai điệu dân ca Việt Nam, liệu anh sẽ kính trọng và xem ba mẹ tôi như một người con trai Việt Nam khác ở địa vị của anh không? Liệu anh có cùng quan niệm về giá trị thủy chung như một người Việt Nam hay ít nhất cũng như một người Á Châu không??? Bao nhiêu câu hỏi, phân vân cứ theo đuổi làm tôi phải suy nghĩ miên mang trong mấy ngày vắng anh. Nên khi gặp nhau ở trên đường đi học về tôi thấy mình mâu thuẩn trong niềm vui gặp nhau:

- Sao, nhóc giận anh, buồn anh hay sao mà lạ lạ vậy?

Tôi mỉm cười lắc đầu:

- Anh đi lên ấy có vui không? Chắc cũng để dành thời gian đi chơi ở thành phố chứ hả?

- Không, anh làm gì được may mắn đến như vậy, thời gian rảnh là làm bài và nhớ đến nhóc không đó!

Tôi mỉm cười vui sướng nhìn anh hỏi:

- Sao anh lại thích em, một người Á Đông vậy?

- Không phải thích nữa, mà là...mơ về rồi! Ba anh là người Ấn Độ, mẹ sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất xưa của người Malta, có lẽ vì vậy mà ba mẹ anh hợp nhau được. Anh nghĩ rằng cách dạy dỗ con cái của gia đình anh rất Á châu. Anh thích một người bạn đời là Đông Á vì anh nghe nói họ rất đặc biệt ở cá tính chung thủy.

Tôi vui mừng nhìn anh trìu mến hỏi:

- Em thật không ngờ, một người dân du côn mà lại có những ý nghĩ như vậy! Anh định gạt gẫm người ta về cái vẻ bề ngòai của anh đó à! Tôi ghẹo anh.

Anh im lặng nhúm vai mỉm cười nhìn tôi hồi lâu làm tôi nghe nóng cả mặt giữa cái lạnh câm câm cuối Đông. Hai đứa im lặng cầm tay nhau ngồi trên chiếc motor, khá lâu sau anh lấy tặng tôi chiếc khăn chòang cổ bảo:

- Em giữ cái này sáng sáng quấn ở cổ đi học như có anh bên cạnh, như vậy nếu có ai tán tỉnh, nhóc đẹp trai của anh sẽ nhớ tới anh ngay. Mẹ em nói gì khi nghe kể chuyện hai đứa mình.-Anh quấn khăn vào cổ tôi.

- Mẹ em hứa sẽ giúp em thuyết phục ba nếu kết quả cuối năm của em tốt.

- Khó khăn lắm đó nghe!-Anh mím môi giễu cợt-Tối ngày cứ nghĩ tới anh không thì làm sao học được, anh đẹp trai lắm phải không? Tóc thì óng ả có thua gì những chàng tài tử Hollywood đâu phải không?

Tôi kí vào đầu anh, nheo mắt kéo dài giọng:

- Phải...rồi, như vậy coi như cơ hội được mẹ em giúp đỡ bay tiêu tan rồi đó!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © Third World